5 ĐIỀU MENTEE CẦN CHUẨN BỊ CHO HÀNH TRÌNH MENTORING

Thực tế cho thấy, hành trình Mentoring không phải luôn suôn sẻ và màu hồng. Đôi lúc, các Mentee hoặc Mentor rơi vào trạng thái “không có gì để chia sẻ”.

Sau đây là những chia sẻ giúp các bạn Mentee phần nào giải quyết được những khúc mắc đó, để hành trình Mentoring của các bạn được suôn sẻ và thành công hơn.

1. Hãy chuẩn bị các mục tiêu cụ thể

Hành trình Mentoring tại GIVE IT BACK chỉ có 12 tuần, vậy bạn muốn học được những gì từ hành trình này? Hãy liệt kê ít nhất 3 mục tiêu lớn và 12 mục tiêu chi tiết mà bạn mong muốn đạt được sau từng tuần gặp gỡ Mentor nhé.

Việc xác định trước các mục tiêu cũng giúp bạn tránh bị đi lòng vòng trong những chủ đề cũ, và đi sâu hơn vào những mong muốn tìm hiểu về kiến thức, kĩ năng và biết cách đặt câu hỏi cụ thể cho vị mentor của mình.

Các mục tiêu của bạn có thể thay đổi ít nhiều trong quá trình Mentoring, nhưng một điều bạn luôn nên làm đó là luôn có sẵn các mục tiêu ấy trong đầu, và tốt hơn nữa là lập hẳn trước một bản đồ hành trình (roadmap) với các cột mốc mà bạn muốn đạt được sau mỗi tuần, mỗi tháng được gặp mentor. Bạn có thể cùng bàn luận với Mentor về bản đồ hành trình đó, để cả hai cùng nhau phấn đấu. Mentor cũng sẽ dễ dàng sẽ biết họ cần giúp bạn những gì với những mục tiêu bạn đặt ra.

2. Một lịch trình sẵn sàng

Nhiều Mentor các mùa trước của GIVE IT BACK từng trăn trở rằng, đôi lúc họ gặp trở ngại khi chọn lịch gặp Mentee. Học thêm, làm thêm, và rất nhiều lý do cá nhân khác của các bạn Mentee, khiến lịch gặp bị trì hoãn.

Để tránh tình trạng đó, những Mentee, hãy nên trong tinh thần sẵn sàng gặp Mentor, ít nhất là cố gắng sắp xếp một khung giờ gặp cố định hàng tuần để tiến trình Mentoring diễn ra hiệu quả nhất. Hoặc những lúc ngẫu hứng rủ Mentor đi chơi đôi khi lại trở thành những buổi gặp đáng nhớ nhất của bạn đấy.

Việc sắp xếp gặp Mentor đều đặn cũng là dịp giúp bạn thực hành kĩ năng quản lý thời gian tốt hơn. 

3. Một dụng cụ “take note” sẵn sàng

Một buổi gặp, thường là khoảng 2 giờ đồng hồ, với rất nhiều thông tin và chi tiết trao đổi giữa Mentor và Mentee.

Thế nên, bạn nên chuẩn bị trước những công cụ ghi chú như sổ tay (khuyến khích nhất) hoặc ghi chú trên điện thoại để có thể lưu lại các chi tiết hay học được từ “tiền bối” của mình.

4. Tinh thần chủ động

Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định tính gắn kết và hiệu quả quá trình Mentoring của bạn. Hãy thể hiện mình là một người trẻ luôn tò mò, chủ động muốn học hỏi và phát triển. 

Tất cả các mentor đều cần sự chủ động từ các Mentee trong cách kết nối, giao tiếp, cách đặt mục tiêu, cách tự học hỏi thêm bên cạnh những gì đã học được qua những buổi gặp gỡ.

Cũng giống như 1 môn học ở trường Đại học , bạn chỉ gặp Mentor “có” trung bình 1 lần/tuần, và bạn phải nỗ lực 6 ngày còn lại trong tuần để áp dụng cho chính bản thân bạn được những “bài học” từ buổi gặp ấy.

 

5. Một tâm thế mở

Sẽ có rất nhiều điều mới mẻ đến với chúng ta mỗi khi gặp gỡ Mentor. Và liệu những điều đó có làm chúng ta thay đổi điều gì ở bản thân không? Có những câu chuyện gì sẽ khiến chúng ta trở thành ai khác sau 12 tuần ấy?

Hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế mở. Mở tức là sẵn lòng đón nhận những kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng và câu chuyện mới. Mở tức là mà sẵn sàng học hỏi, và lựa chọn cho bản thân những thứ phù hợp nhất để nâng cấp bản thân.

 

Bạn vẫn là chính bạn sau tất cả. Vì vậy, dù cho là Mentoring hay đi học ở bất cứ đâu trong cuộc sống, đều để quay về mục đích là để bạn nâng cấp bản thân, phát huy các tiềm năng và tiến nhanh trong hành trình sự nghiệp và cuộc sống của bạn. Vì vậy, hãy luôn nỗ lực hết mình với những mục tiêu mà bạn ao ước đạt được và đừng quên luôn chủ động tìm đến Mentor đồng hành với bạn trên những chặng đường nhé!

Tìm hiểu thêm về Mô hình Mentoring 1-on-1 tại GIVE IT BACK do Lead The Change khởi xướng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *